Thương mại điện tử được coi là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp Việt phục hồi sau đại dịch, tạo thêm việc làm và là đầu kéo kinh tế phát triển.
Giá trị thương mại điện tử của Việt Nam theo dự báo có thể đạt 56 triệu USD trong 5 năm tới. Cơ hội rất lớn nhưng đón sóng ở thời điểm Vàng là bài toán không đơn giản chỉ giải bằng một cách.
Bài toán của doanh nghiệp Việt
Đầu tư vào thương mại điện tử được ví như cuộc đua “đốt tiền”. Vì thế doanh nghiệp luôn đối mặt với nỗi lo nguồn vốn và liên tục phải kêu gọi vốn đầu tư. Đơn cử như Tiki: trong tháng 10 vừa qua, nền tảng thương mại điện tử Tiki huy động được thêm 136 triệu USD vốn đầu tư tại vòng Series E. Trước đó, vào tháng 7 và tháng 8/2021 Tiki huy động được 120 triệu USD góp phần nâng định giá của doanh nghiệp này lên hơn 600 triệu USD.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây Tiki liên tục báo lỗ. Cụ thể, năm 2016 Tiki lỗ 179 tỉ đồng, năm 2017 lỗ 282 tỉ đồng, năm 2018 lỗ 757 tỉ đồng. Riêng năm 2019, Tiki lỗ tới gần 1.800 tỉ đồng.
Không chỉ là vốn mà bài toán logistics và chuỗi cung ứng cũng đặt ra cho các doanh nghiệp những thách thức. Thiếu công nhân hay gặp vấn đề giao nhận, hay nguồn cung đầu vào hàng hoá của các công ty sản xuất… chỉ cần một trong các khâu đó chuỗi cung ứng có thể bị đứt gẫy. Thêm vào đó tốc độ giao hàng cũng được coi là yếu tố quyết định đến tốc độ phát triển của ngành TMĐT. Chủ tịch Việt Nam Life Group ông Nguyễn Thái Bình cho rằng, trong thời gian vừa qua, tốc độ phát triển của ngành logistics chưa theo kịp nhu cầu của thị trường. Điều này dẫn đến việc các sàn thương mại điện tử có xu hướng thành lập đơn vị logistics riêng để giảm lệ thuộc vào đối tác vận chuyển nhưng sẽ đối diện với nguy cơ thiếu nguồn lao động, kho bãi và có thể sẽ khiến giá thành cao hơn so với việc có một hệ sinh thái TMĐT ở mảng back – office hay kho bãi, vận tải tham gia chuỗi.
Ngoài ra, những lỗ hổng trong thanh toán và gian lận hàng hoá như hàng giả, hàng nhái, chất lượng kém so với quảng cáo và lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ đã xảy ra tại các sàn TMĐT thời gian vừa qua cũng là thách thức không nhỏ đối với toàn ngành. Điều này ảnh hưởng một phần tới việc gần 80% khách hàng mua online vẫn thanh toán tiền mặt và tỷ lệ không hài lòng của người dùng trong năm qua lại cao hơn 2% so với năm trước…
Cơ hội trên sân nhà
Khó khăn nhưng kèm theo “cơ hội vàng” ngay trước mắt, nhất là nhu cầu mua sắm của người dân đang quay trở lại trước Tết, chính là “thời điểm vàng” để doanh nghiệp Việt tăng thị phần. Hơn nữa tình hình dịch bệnh covid 19 vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khiến tâm lý người tiêu dùng vẫn lựa chọn xu hướng mua online thay bằng mua sắm tại trung tâm thương mại, siêu thị hay chợ truyền thống. Tâm lý Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt cũng là lợi thế cho các doanh nghiệp Việt. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm. Năm 2020 đã đạt 240 USD/người/năm, dự báo tăng lên khoảng 650 USD/người/năm vào năm 2026.
Ngoài ra, nếu như trước đây các doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí lớn để để kéo khách thì nay qua đợt sóng đại dịch covid 19 lần thứ 4 đã giúp khái niệm mua chung, mua hàng qua mạng, đi chợ hộ, đi chợ mạng…trở lên quen thuộc và đã mang lại cho các doanh nghiệp một tệp khách hàng lớn, thường xuyên.
Trong năm 2020 và đầu năm 2021 chứng kiến việc cải thiện rõ rệt của các sàn TMĐT của Việt Nam. Theo báo của iPrice, có đến 5 doanh nghiệp nội địa Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng top 10 sàn TMĐT có lượng truy cập nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, bản đồ TMĐT Đông Nam Á còn cho thấy rằng Việt Nam là thị trường lớn thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia.
“Tuy khoảng cách giữa doanh nghiệp Việt và nước ngoài tương đối lớn. Nhưng trong bối cảnh đại dịch, các doanh nghiệp Việt Nam đã thay đổi, vươn lên, trở thành điểm sáng thương mại trong nước và quốc tế. Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp nội địa với kinh nghiệm và nguồn lực yếu hơn các tập đoàn nước ngoài hoàn toàn có thể vươn lên vị trí dẫn đầu. Cá bé hoàn toàn có thể bơi trước, bơi xa hơn cá lớn”, ông Nguyễn Thái Bình – Chủ tịch Việt Nam Life Group nhận định.
Cũng theo ông Bình, trong tương lai gần không chỉ ở thành thị mà bà con ở vùng sâu, vùng xa vẫn có thể tiếp cận dễ dàng với hàng hoá qua TMĐT. Người dân chỉ cần cần một thiết bị thông minh là có thể trải nghiệm mua sắm trong siêu thị ngay ngôi nhà của mình. Nếu tận dụng được thời cơ, có chiến lược kinh doanh rõ ràng thì đây sẽ là thời cơ vàng cho doanh nghiệp Việt khai phá.
Theo các chuyên gia, để phát triển TMĐT các doanh nghiệp trước hết cần ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ và có giải pháp quản trị phù hợp; đồng thời các doanh nghiệp cần chủ động liên kết; có chiến lược sản phẩm rõ ràng; phải nghiên cứu điểm “chạm” để đáp ứng tối đa nhu cầu của người dùng; nâng cao chất lượng hàng hoá và nâng cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Đồng thời, để bảo vệ người tiêu dùng và hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần hoàn thiện hành lang pháp lý như Luật Giao dịch điện tử, Nghị định TMĐ… Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số và khuyến khích các startup công nghệ…
Bình luận tại đây
Chưa có phản hồi nào cho bài viết này, tại sao bạn không trở thành người đầu tiên?