Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 23/11/2022 đã xác định: Vùng đồng bằng Sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng Sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước. Phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á; trong đó Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch mang tầm khu vực và quốc tế; thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại. Đồng thời Nghị quyết cũng đã đề ra nhiệm vụ:”Đầu tư phát triển hệ thống logistics”, bao gồm từ cơ chế, chính sách phát triển logistics, cơ sở hạ tầng logistics, các doanh nghiệp logistics, các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics và nguồn nhân lực logistics. Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin đề cập một số vấn đề phát triển hệ thống logistics nông nghiệp như là giải pháp mang tính đột phá nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (nông nghiệp) bền vững vùng đồng bằng Sông Hồng.
Từ khóa: Logistics, hệ thống logistics, trung tâm logsitics, vùng đồng bằng Sông Hồng
1. Vùng đồng bằng Sông Hồng và tiềm năng phát triển hệ thống logistics nông nghiệp
Đồng bằng sông Hồng (hay còn gọi là vùng Châu thổ Bắc Bộ) là khu vực hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình thuộc vùng Bắc Bộ nước ta. Vùng Đồng bằng sông Hồng có 11 tỉnh thành, trong đó có 2 thành phố trực thuộc trung ương, 9 tỉnh và 16 thành phố thuộc tỉnh. Các tỉnh thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Diện tích của vùng này là 14.806 km2 – là đồng bằng châu thổ lớn thứ 2 của nước ta. Tuy nhiên, dân số của vùng này là 21,6 triệu người (chiếm tới 22,1% dân số của cả nước – năm 2020); quỹ nông nghiệp hạn chế, đất trong đê không được bồi đắt thường xuyên và đang dần bị thoái hoá; địa hình thấp và có nhiều ô trũng, mùa mưa dễ gây ngập lụt kéo dài; thời tiết độc hại với rét đậm, rét hại, khí hậu nhiệt đới ẩm dễ phát sinh dịch bệnh, khó khăn trong bảo dưỡng các máy móc, thiết bị sản xuất; việc thiếu khoáng sản, nguồn tài nguyên tại chỗ hạn chế, phần lớn phải nhập khẩu nguyên liệu từ những vùng khác là một trong những khó khăn của vùng và là những thách thức lớn của vùng.
Thời gian qua, kinh tế vùng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 – 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước; quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỉ đồng, chiếm 29,4% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ giữ vai trò trụ cột. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Đô thị phát triển nhanh, tỷ lệ đô thị hóa trên 41%. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt thành tựu nổi bật, 99,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kinh tế biển phát triển khá, đặc biệt thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển lớn. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển mạnh mẽ, đi đầu trong thực hiện các đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được tập trung đầu tư và phát triển khá đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông; phát huy tốt vai trò của các hành lang, vành đai kinh tế. Quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường được chú trọng; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Văn hóa – xã hội được quan tâm phát triển;.. Nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhanh. Khoa học – công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ.
-Vùng đồng bằng sông Hồng là cầu nối giữa vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, thuận lợi giao lưu với các vùng khác trong cả nước và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vùng đồng bằng sông Hồng có những đồng bằng châu thổ màu mỡ, dải đất rìa trung du với một số tài nguyên khoáng sản, tài nguyên du lịch và vịnh Bắc Bộ giàu tiềm năng. Nhờ có thủ đô Hà Nội – trái tim của cả nước nên đồng bằng sông Hồng giữ vị trí trung tâm kinh tế, khoa học – kĩ thuận và văn hoá của cả nước. Sân bay Nội Bài, cảng Hải Phòng là những cửa ngõ mở ra khu vực và thế giới. Vì thế đồng bằng sông Hồng có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.… Đây chính là những tiền đề, nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng và phát triển bền vững, đồng thời cũng là để nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng trong khu vực và trên thế giới.
– Vùng đồng bằng sông Hồng có vị trí địa lý thuận lợi trên trục giao thông Bắc – Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không với hệ thống giao thông đường bộ kết nối với cả nước. Vùng đồng bằng Sông Hồng có kết cấu cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước… có sự phát triển mạnh. Hệ thống đường cao tốc của vùng với nhiều tuyến đường như: đường cao tốc Bắc – Nam, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai và tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (đang trong quá trình xây dựng) hội tụ các điều kiện, tiền đề trong triển khai thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng Sông Hồng
– Vùng đồng bằng sông Hồng là nơi có địa hình thấp, chủ yếu là đồng bằng, khá là bằng phẳng nên thuận lợi cho phát triển tất cả các ngành kinh tế và dân cư sống tập trung có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao trong phát triển kinh tế như du lịch, dịch vụ xuất nhập khẩu, logistics nghề cá, dầu khí, vận tải, phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và sau cảng, sữa chữa tàu biển…Là tiền đề để triển phát triển các ngành dịch vụ, kinh tế biển, hội tụ các điều kiện, tiền đề vùng đồng bằng sông Hồng phát huy các nguồn lực trong triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030,tầm nhìn 2045.
– Vùng đồng bằng sông Hồng có đường bờ biển dài 400km kéo dài từ Hải Phòng đến Ninh Bình, có điều kiện thuận lợi để nuôi trồng và khai thác thuỷ hải sản, phát triển giao thông đường biển cũng như du lịch… Đó không chỉ là tiềm năng phát triển du lịch nghỉ mát tắm biển, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, du lịch thể thao giải trí với các loại hình phong phú… mà còn cho phép các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng phát triển du lịch hội thảo, hội nghị, du lịch sinh thái kết hợp khám phá đời sống địa phương, du lịch cộng đồng…
– Vùng đồng bằng Sông Hồng là vùng có đông dân nhất cả nước và mật độ dân số cũng cao nhất cả nước. Với đặc điểm về dân cư lao động này đã tạo cho vùng một nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn.Việc hình thành các đô thị ven biển và cùng với sự phát triển các khu kinh tế ven biển trong vùng đã tạo điều kiện cho việc thiết lập và mở rộng liên kết kinh tế giữa các địa phương với các tỉnh trong cả nước. Điều này sẽ được hiện thực hóa khi mà vùng đồng bằng sông Hồng khai thác và phát huy hiệu quả các nguồn lực của mình, quy hoạch, xây dựng được một mạng lưới bất động sản logistics hoàn chỉnh trên các hành lang kinh tế, trên các địa bàn có khả năng kết nối cao trên quy mô vùng, tránh tình trạng “mạnh ai, nấy làm”, cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư mang tính riêng lẻ theo từng địa phương, nguy cơ làm phá vỡ không gian kinh tế chung của vùng…
Mặc dù vùng đồng bằng sông Hồng những năm qua, các kết quả đạt được về phát triển kinh tế -xã hội là rất tích cực nhưng vẫn còn khiêm tốn, “tăng trưởng kinh tế của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm; các địa phương phát triển không đồng đều, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Cơ cấu thu ngân sách ở một số địa phương chưa bền vững. Công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, nhất là quy hoạch đô thị; tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” còn khá phổ biến. Hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu bền vững; phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành. Đầu tư công còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, một số dự án chậm tiến độ, thua lỗ. Quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều hạn chế; ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, nhất là nước thải, chất thải nguy hại” (Nghị quyết 30-NQ/TW). Hệ thống logistics vùng tuy có phát triển thuận lợi nhưng chưa khai thác hết được lợi thế địa – kinh tế và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương; cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin,… cả trong nước và với khu vực còn chưa cao nên hiệu quả hoạt động logistics còn nhiều tồn tại, bất cập như: Chi phí logistics, đặc biệt là giá cước vận tải biển tăng cao gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu; Hệ thống logistics nông nghiệp chưa phát triển, chưa thực sự phát huy vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững ở các địa phương. “Tấm huân chương bao giờ cũng có mặt trái của nó”, kinh tế Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng những năm qua, nhất là thời kỳ đổi mới, tuy đã thu được nhiều kết quả tích cực, được mọi người dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận nhưng thực tế vẫn còn nhiều việc phải làm để phát triển hệ thống logistics nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy kinh tế vùng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư, an sinh xã hội được đổi mới hơn…
2. Giải pháp phát triển hệ thống logistics nông nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết 30-NQ/TW: “Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Với một số chỉ tiêu cụ thể:
– Giai đoạn 2021 – 2030, tăng trưởng GRDP đạt bình quân khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm và thủy sản chiếm khoảng 3,5%; công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 47%; dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7%. Đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2030 đạt 55%. Kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%; có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
– Tầm nhìn đến năm 2045: Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới”. Vì vậy, để phát triển hệ thống logistics vùng đồng bằng sông Hồng nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra trong Nghị quyết 30-NQ/TW, chúng tôi cho rằng cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện cả trước mắt và lâu dài. Ở đây, chúng tôi chỉ xin tiếp tục trao đổi và nhấn mạnh thêm một số gải pháp sau:
Thứ nhất, cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức logistics nông nghiêp, nông thôn, đặc biệt là vai trò của hệ thống logistics nông nghiệp trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững của vùng đồng bằng sông Hồng. Từ đó để nâng cao hơn nữa mức ủng hộ đối với nghiên cứu, triển khai và xây dựng hệ thống logistics ở 11 tỉnh và thành phố vùng đồng bằng sông Hồng. Việc nâng cao nhận thức logistics, hệ thống logistics, trước hết của đội ngũ cán bộ quản lý ở các ngành, các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dưng và phát triển đồng bộ hệ thống logistics, giúp các doanh nghiệp giải bài toán sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, XNK, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh cho cả vùng. Điều cũng đồng nghĩa với việc vận dụng tư duy logistics ngay từ khâu hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, đảm bảo tính đồng bộ các yếu tố môi trường logistics, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, khi mà các nhà hoạch định chính sách thực sự quan tâm các giải pháp logistics –môi trường logistics thì mới hiện thực hóa được nguyên lý sản xuất sản phẩm công nghiệp, quá trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp chỉ kết thúc khi sản phẩm, hàng hóa nông sản đến tay người tiêu dùng cuối cùng trong và ngoài nước.
Thứ hai, rà soát, sửa đổi và bổ sung kịp thời khoảng trống logistics trong các chính sách phát triển các ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng như giao thông, thương mại, công nghệ thông tin, tài chính, đặc biệt là đối với ngành logistics, trực tiếp hậu cần cho sản xuất-kinh doanh và cải thiện môi trường logistics vùng đồng bằng sông Hồng góp phần thúc đẩy XNK, đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững; Vùng đồng bằng sông Hồng cần sớm xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống logistics của vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển hiện có của các địa phương trong vùng cho phù hợp, nhất là các quy hoạch về hệ thống thương mại, giao thông vận tải và công nghệ thông tin; tích hợp hệ thống cảng cạn ICD với các trung tâm logistics hay KCN logistics.
Thứ ba, Trên cơ sở Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống Trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến 2030, cần sớm xây dựng quy hoạch và có chính sách đầu tư xây dựng các trung tâm logistics để kết nối các địa phương của vùng đồng bằng sông Hồng, khai thác hiệu quả các tuyến hành lang kinh tế trên địa bàn, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm cho các ngành và địa phương. Các trung tâm logistics cần được xây dựng tại các điểm kết nối các loại phương tiện vận tải mà các địa phương, vùng đang sở hữu như đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không… và phải được quy hoạch với tầm nhìn 50 năm đến cả 100 năm, xây dựng với quy mô như các khu công nghiệp hiện nay đối với trung tâm logistics (hạng 1), không nên chỉ đơn thuần là mở rộng thêm một số chức năng của các ICD hiện có, để thu hút các tập đoàn logistics của khu vực, thế giới, các doanh nghiệp logistics trong nước vào đầu tư, kinh doanh, qua đó để hiện thực hóa liên kết kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng, tránh kiểu liên kết kinh tế mang tính hành chính và hình thức.
Thứ tư, các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng cần có chính sách ưu tiên đất đai đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics, phát triển các BĐS logistics và thị trường BĐS logistics trong vùng. Ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt nối các cảng biển quốc tế, với các trung tâm logistics, kết nối các phương tiện vận tải với các trung tâm này, áp dụng mô hình quản lý phù hợp và hiệu quả đối với các trung tâm, phát triển hệ thống đường gom ở các địa phương… Chủ trương “kết nối giao thông vận tải” ở các khu vực, địa phương chỉ thực sự có hiệu quả khi được thực hiện thông qua mô hình các trung tâm logistics. Đồng thời, tránh kiểu thu hút đầu tư riêng lẻ làm chia cắt các cảng biển của vùng đồng bằng sông Hồng như kiểu“phân lô chia nền”!, thiếu chiến lược, quy hoạch và tầm nhìn dài hạn, làm chia cắt “Biên giới biển Quốc gia” do từng dự án của các doanh nghiệp và chia các tuyến giao thông huyết mạch bằng các trạm BOT như thời gian qua.
Thứ năm, phát triển hệ thống logistics nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng phải hướng tới mục tiêu hiện thực hóa liên kết kinh tế giữa các ngành, địa phương và doanh nghiệp, các hành lang kinh tế nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của vùng. Hệ thống logsitics gồm thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng logistics, các doanh nghiệp logistics và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics cần được đầu tư, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng logistics xanh và coi đó là giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững cho cả vùng vùng đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, việc phát triển hệ thống logistics luôn đòi hỏi sự kết nối của nhiều ngành/lĩnh vực/khu vực khác nhau trong vùng theo hướng tối ưu hóa, qua đó thực hiện hiệu quả mô hình liên kết kinh tế giữa các ngành, địa phương, doanh nghiệp và các hành lang kinh tế nên cần thiết thành lập cơ quan quản lý logistics của vùng, từng địa phương đồng bằng sông Hồng để điều phối và quản lý toàn bộ hệ thống các mối quan hệ kinh tế hợp lý, thực hiện sứ mệnh của logistics vùng… Vì rất khó hiện thực hóa mục tiêu“Phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á; trong đó Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch mang tầm khu vực và quốc tế; thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại. Tập trung phát triển dịch vụ tài chính – ngân hàng hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế và đa dạng loại hình dịch vụ; cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính, tiền tệ, bảo đảm minh bạch, bền vững, hội nhập, an toàn hệ thống. Chuyển đổi số toàn diện hệ thống ngân hàng, phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích. Đầu tư phát triển hệ thống logistics.”(Nghị quyết 30-NQ/TW năm 2022), xây dựng các thành phố thông minh trong vùng nếu như hệ thống logistics của vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có các địa phương, đặc biệt là của các thành phố lớn không được đầu tư, phát triển ngang tầm với các nước, không để phát triển tự phát như hiện nay.
Thứ sáu, với sự phát triển các ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững và thực hiện định hướng phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên- ngành logistics đến năm 2050 theo QĐ 531/QĐ-TTg ngày 01/04/2021 của Thủ tướng Chính phủ, việc ưu tiên tập trung đầu tư phát triển và hiện đại hóa hệ thống đường sắt theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng hệ thống đường sắt kết nối với các cửa khẩu quốc tế (trước hết cần ưu tiên tập trung đầu tư tuyến đường sắt Bắc-Nam, liên vận quốc tế sang Trung Quốc và Châu Âu; hiện đại hóa theo chuẩn quốc tế tuyến đường sắt kết nối cửa khẩu quốc tế Lạng Sơn, Cảng biển quốc tế Hải Phòng…), khai thác hiệu quả tuyến đường biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là giải pháp đột phá để giảm chi phí logistics, cơ cấu và tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất lớn, tạo đầu mối nguồn hàng lớn cho xuất khẩu chính ngạch. Đây là giải pháp rất cần thiết và cấp bách trong bối cảnh mới của vùng.
Thứ bảy, Đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics nông nghiệp Việt Nam và cho logistics vùng đồng bằng sông Hồng. Nguồn nhân lực logistics nông nghiệp, nông thôn cho các ngành, địa phương và các doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng đang yếu cả về số lượng và chất lượng nhưng lại chưa được quan tâm đầu tư đứng mức cho đào tạo phát triển. Đây là yếu tố quan trọng để phát huy vai trò ngành logistics nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan hơn.
Thứ tám, Luật Giáo dục 2019 cũng cần sớm được kịp thời sửa đổi, bổ sung, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các Bộ môn khoa học trong tổ chức và quản lý đào tạo ở các trường đại học hiện nay để tránh tình trạng xây dựng mô hình“trường trong trường”, dựa vào Luật để xóa bỏ các Bộ môn- Là đơn vị cơ sở quan trọng của các trường đại học, trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội và là cái nôi nuôi dưỡng và hình thành đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành cho từng lĩnh vực trong nền kinh tế quốc dân. Việc xóa bỏ các Bộ môn khoa học trong các trường đại học sẽ là nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của trường đại học vốn đang có nhiều ý kiến phàn nàn về chất lượng đào tạo và doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí để đào tạo lại, do đào tạo quá rộng, lại quá chung, nay lại không ai quản lý!…Và hệ lụy là ngành đào tạo logistics mới được hình thành theo tinh thần QĐ 200/TTg, ngày 14/02/2017, QĐ 221/TTg, ngày 22/02/2021 và nhiệm vụ:”Đầu tư phát triển hệ thống logistics” cho vùng đồng bằng sông Hồng, theo như Nghị quyết 30-NQ/TW và nếu các trường đại học lại thực hiện theo Luật Gáo dục 2019 thì nguy cơ các mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra trong QĐ 200/QĐ-TTg, QĐ 221/QĐ-TTg và Nghị quyết 30-NQ/TW về “phát triển hệ thống logistics” khó có thể đi vào cuộc sống?
Tài liệu tham khảo
- Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, số 30/NQ/TW, ngày 23 tháng 11 năm 2022, Hà Nội.
- Bộ Công Thương (2021-2023), “Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2020-2022”, NXB Công Thương.
- Đặng Đình Đào, Tạ Văn Lợi (2021), Phát triển các trung tâm logistics nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 292, 10/2021.
- Nghị quyết số 163/2022/NQ-CP ngày 16/12/2022 Về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
- Quyết định 1579/QĐ-TTg, ngày 22/9/2021 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, số 198/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2014, Hà Nội.
- Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 1012/QĐ-TTg, ngày 03/7/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
- Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 2 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025.
- Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 221/QĐ-TTg, ngày 22/02/2021 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
- Thủ tướng Chính phủ (2021); Quyết định 531/QĐ-TTg ngày 01/04/2021 Phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- TS. Đặng Đình Đào (2024). Phát triển hệ thống logistics nông nghiệp, nông thôn nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam bền vững. Tạp chí Thị trường-Tài chính Tiền tệ, 29/04/2024,https://thitruongtaichinhtiente.vn/phat-trien-he-thong-logistics-nong-nghiep-nong-thon-nham-gop-phan-thuc-day-tang-truong-nong-nghiep-viet-nam-ben-vung-58659.html
Nội dung 1
15 Tháng tám, 2024 at 2:48 chiềuOk
15 Tháng tám, 2024 at 4:42 chiềuNội dung 2
15 Tháng tám, 2024 at 2:49 chiềuOk bạn
15 Tháng tám, 2024 at 2:50 chiềuCó gì mà đăng
16 Tháng tám, 2024 at 7:07 sáng